Đau đớn khi mắc bệnh ung thư có thể làm người bệnh suy sụp một cách toàn diện. Nguyên nhân gây đau khi mắc bệnh ung thư Người bệnh ung thư cần được giảm đau ở tất cả các giai đoạn bệnh. Thông thường, một số bệnh nhân ở giai đoạn sớm thường ít gặp triệu chứng đau. Ở giai đoạn muộn hơn, trên 70% bệnh nhân bị các bệnh ung thư có biểu hiện đau đớn, tỷ lệ này ở giai đoạn cuối là hơn 90%. Việc giảm và cắt cơn đau là mong muốn của bệnh nhân, thân nhân cũng như mục đích của các bác sĩ. Với các bệnh nhân ung thư, mức độ đau đớn cũng tỷ lệ thuận với tiên lượng của bệnh. Bệnh nhân ung thư thường gặp phải những cơn đau do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đau trong ung thư có thể do:
– Khối ung thư chèn ép vào các tổ chức xung quanh khối u hoặc ở xa khi đã có di căn (75 – 80 %). – Quá trình điều trị: mổ cắt bỏ khối u, điều trị bằng tia xạ, điều trị bằng hóa chất (15 – 19%).
– Các thủ thuật xét nghiệm chẩn đoán: lấy máu làm xét nghiệm, nội soi, sinh thiết…
– Đau không liên quan đến ung thư: đau ở một cơ quan hay một bộ phận cơ thể, vì lý do này nên bệnh nhân đi khám, tình cờ lại phát hiện ra ung thư ở một cơ quan hay bộ phận khác của cơ thể. Hội chứng đau trong bệnh ung thư được phân ra ba loại: đau thực thể, đau các nội tạng và đau do căn nguyên thần kinh. Chăm sóc người bệnh đau do ung thư thế nào? Chăm sóc giảm đau cho người bệnh ung thư nên được bác sĩ và người nhà tiến hành theo các bước sau:
– Bác sĩ cần giải thích cho người bệnh và gia đình về nguyên nhân gây đau, qua đó, bệnh nhân nhận thức rõ hơn về điều trị và hợp tác với các bác sĩ, điều dưỡng một cách tốt nhất.
– Bác sĩ sẽ quan sát, hỏi và lắng nghe mô tả cơn đau của người bệnh, qua đó xác định vị trí đau, tính chất đau, hướng lan, thời gian xuất hiện và mức độ đau.
– Bác sĩ khuyên người bệnh giảm bớt hoạt động hàng ngày bằng cách nghỉ ngơi, bất động. Đối với đau ở chi có thể dùng nẹp mềm hoặc băng treo. Tuy nhiên, không nên để lâu ở một tư thế tránh gây loét.
– Động viên, tạo niềm hứng khởi cho bệnh nhân. Sử dụng các phương tiện giải trí khác nhau như: tivi, đài, báo… góp phần làm giảm suy tư, ưu phiền cho người bệnh…
– Dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Đây là phương pháp chính có thể giảm đau cho 70 – 90% người bệnh ung thư. Thuốc giảm đau có thể được dùng theo: đường uống; đường tiêm; giờ; 3 bậc thang; theo từng cá thể.
– Theo dõi hiệu quả của thuốc giảm đau: mức độ giảm, thời gian tác dụng: thuốc giảm đau có thể gây viêm loét đường tiêu hóa, gây nôn ra máu, đại tiện phân đen, trong trường hợp nặng có thể gây hạ huyết áp, trụy mạch… Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc giảm đau khi chưa có chỉ định của bác sĩ Bác sĩ cũng có thể hướng dẫn gia đình, người thân bệnh nhân cách xoa bóp làm dịu một phần đau cho người bệnh. Xoa bóp giúp người bệnh ung thư giảm bớt đau đớn. Người nhà cần báo cáo ngay cho bác sĩ nếu thấy các diễn biến bất thường.